Becamex lập đề án đường sắt nối Bình Dương cũ với Cái Mép, Long Thành

Becamex đang làm đề án đường sắt nối phía Bắc Bình Dương cũ với cảng Cái Mép, sân bay Long Thành nhằm giữ chân doanh nghiệp và thu hút thêm ngành nghề công nghệ cao.
 

Becamex đang xây dựng đề án đầu tư hệ thống đường sắt kết nối các khu vực công nghiệp phía Bắc Bình Dương cũ với các khu vực phía Tây và các dự án trọng điểm như cảng biển Cái Mép, sân bay Long Thành.

Tại tọa đàm về phát triển công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh mới sau khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất hiện nay là giữ chân các doanh nghiệp, nhà sản xuất đã và đang đầu tư tại khu vực phía Bắc TP.HCM (tức khu vực tỉnh Bình Dương cũ).

Theo ông Duy, hệ sinh thái công nghiệp tại đây đã hình thành từ năm 1990. Trong đó, mô hình khu công nghiệp tích hợp, kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và thương mại do Becamex phát triển đã chứng minh hiệu quả, thu hút khoảng 4.500 doanh nghiệp FDI. Điều này tạo nên một chuỗi cung ứng rất đa dạng, bao gồm các ngành như điện tử, công nghệ cao, sản xuất đồ tiêu dùng, thực phẩm, dệt may, đồ gỗ...

Ngoài việc tiếp tục đầu tư hạ tầng để giữ chân doanh nghiệp hiện hữu, Becamex cũng định hướng thu hút các ngành nghề mới, nhất là nhóm công nghệ cao và các lĩnh vực thâm hụt công nghệ thay vì thâm dụng lao động.

"Để làm được điều này, chúng tôi đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung và tăng cường liên kết giữa đại học, viện nghiên cứu", ông Duy bổ sung.

Ông Nguyễn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Becamex IDC chia sẻ tại tọa đàm.

Đại diện Becamex nhấn mạnh hạ tầng phải được nhìn từ hai khía cạnh là hạ tầng công nghiệp và hạ tầng kết nối. Với hạ tầng công nghiệp, Becamex định hướng xây dựng các khu công nghiệp hiện đại theo mô hình sinh thái, cộng sinh công nghiệp, chuyển đổi xanh, tích hợp đổi mới sáng tạo và tự động hóa.

Còn về hạ tầng kết nối, đơn vị này đã tham gia phát triển các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là những tuyến đường "xương sống" để kết nối các khu công nghiệp với các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành và cảng biển Cái Mép.

Ông Duy cho biết Becamex cũng đang đầu tư thêm các dự án giao thông kết nối như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường Vành đai 4, cùng với việc nâng cấp mở rộng đường quốc lộ 13...

"Một đề án rất quan trọng đang được Becamex triển khai là xây dựng hệ thống giao thông đường sắt để kết nối các khu vực công nghiệp phía Bắc Bình Dương cũ với các khu vực phía Tây và các dự án trọng điểm như cảng biển Cái Mép và sân bay Long Thành. Đây được coi là xương sống và thể hiện vai trò của Becamex trong kỷ nguyên mới", ông Duy nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho rằng nhiệm vụ cấp bách hiện nay là thúc đẩy các dự án giao thông kết nối. Ông chỉ rõ việc định vị Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao là hướng đi đúng, tuy nhiên, khâu vận chuyển sản phẩm từ đây ra cảng Cái Mép vẫn còn chậm.

Do đó, trong điều chỉnh quy hoạch sắp tới, sẽ có đề xuất xây dựng tuyến đường sắt logistics từ Bình Dương cũ ra thẳng cảng. Sở Giao thông và Sở Xây dựng đang phối hợp nghiên cứu đề án này.

Đồng thời, ông cũng đề nghị đẩy nhanh các tuyến đường sắt khác như Long Thành - Thủ Thiêm, cũng như giữa Long Thành đến các cảng lớn.

Trước đó, tại cuộc họp kinh tế - xã hội đầu tiên sau sáp nhập của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Becamex đã chia sẻ về tiềm lực của tập đoàn, đồng thời cho biết doanh nghiệp đang nhắm đến những trục đường lớn và đường sắt đô thị.

Thống nhất đề nghị của Becamex Bình Dương, Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho biết TP.HCM sẽ khai thác, tận dụng thế mạnh của đơn vị này. Ông đề nghị các sở, ngành cần tạo điều kiện để chính các doanh nghiệp Nhà nước tham gia các dự án lớn như giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường sắt đô thị.

Hiện TP đặt mục tiêu phát triển 7 tuyến metro, trong đó đã có 4-5 doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tham gia nghiên cứu đầu tư. Chủ tịch Được đề xuất Becamex nghiên cứu tham gia một số tuyến còn lại.

Theo ông, đây là cách để tận dụng nội lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời hình thành những "thế lực mới" trong phát triển.

Nguồn: znews.vn