Hiện trạng cầu Bạch Đằng 2 nối Đồng Nai và Bình Dương sau 2 năm thi công

Sau hai năm thi công, sáu trụ cầu Bạch Đằng 2 đã được xây dựng, chuẩn bị đổ dầm để hợp long vào cuối tháng 4/2024.

Cầu Bạch Đằng 2 khởi công cuối năm 2021 bắc qua sông Đồng Nai nối huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và TP Tân Uyên (Bình Dương) với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Đây là cầu thứ hai nối hai địa phương, cùng với cầu Thủ Biên.

Sau gần hai năm thi công, nhà thầu đã hoàn thiện các trụ cầu, để chuẩn bị đổ dầm nối các trụ với nhau.

70% công việc điều thực hiện trên mặt nước, đơn vị thi công lắp đặt cầu tạm để thợ dễ dàng ra các trụ cầu thay bằng đi thuyền.

Công đoạn khó khăn nhất là xây 4 trụ cầu ở giữa sông, để việc đổ bêtông đảm bảo chất lượng, các công nhân đóng các cọc thép lá sen xung quanh rồi bơm nước ra ngoài.

Nhằm không cho nước sông chảy vào bên trong nhiều, các thợ lặn có kinh nghiệm được điều động đến để dặm vá các lỗ thủng.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 có chiều dài hơn 2,8 km, trong đó cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, 4 làn xe, tĩnh không 7 m. Cầu có 4 trụ ở sông và hai trụ ở bờ.

Theo nhà thầu thi công, đến nay đã cơ bản hoàn thành ba trên 4 trụ cầu ở giữa sông và hai trụ hai bên bờ.

Công nhân đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho việc đổ bêtông đúc dầm trên trụ T2. Nhằm đảm bảo chất lượng và đáp ứng thời gian thi công, cầu được đổ bêtông trực tiếp trên cầu thay bằng lắp từng dầm lẻ.

Công nhân đang sơn các dầm thép để tránh rỉ sét. "Do những tháng gần đây mưa nhiều khiến công việc bị ảnh hưởng, tuy nhiên khi mùa khô đã bắt đầu thì chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ", anh Linh nói.

Sau gần 24 tháng thi công, nhà thầu đã cho lắp đặt các thép dầm nặng hàng chục tấn để chuẩn bị đổ dầm từ trụ T2 với sự giúp sức của hai cần cầu từ sà lan.

"Đến nay dự án hoàn thành gần 40% khối lượng, tuy nhiên những công việc khó và mất thời gian điều đã hoàn thành, dự kiến cuối tháng 4/2024 cầu sẽ được thông tuyến", kỹ sư Nguyễn Trọng Liêm, phụ trách thi công đầu cầu Đồng Nai nói.

Ngoài trụ chính, theo thiết kế hai bên thượng và hạ nguồn sông còn có 8 trụ tam giác bảo vệ cầu nhằm tránh sà lan chở hàng va vào. Đến nay đơn vị thi công đã hoàn thành 4 trụ chống va xô ở phía đầu Đồng Nai.

Theo các kỹ sư, các trụ bảo vệ được xây hình tam giác có thể chịu lực của các sà lan, tàu có trọng lượng hàng nghìn tấn. "Sông Đồng Nai nhiều tàu bè, sà lan chở hàng qua lại, việc thiết kế các trụ chống va là cần thiết", một kỹ sư trên công trường nói.

Song song với việc xây cầu chính, các đơn vị thi công đang hoàn thiện đường dẫn vào cầu từ phía Đồng Nai kết nối hương lộ 7. So với 24 tháng đầu phía Đồng Nai đìu hiu do vướng mặt bằng, mấy tháng trở lại đây tiến độ đang được đẩy nhanh để về đích đúng kế hoạch.

Ở khu vực đường dẫn, nhà thầu cho đóng tràm để đảm bảo chắc chắn, xử lý nền đất yếu trước khi đắp đất thông tuyến với nhịp cầu chính.

Trong khi đó, đầu cầu Bình Dương vẫn còn gặp khó khăn trong việc thi công đường dẫn do chưa có mặt bằng. Theo chủ đầu tư, hai đường dẫn vào cầu ở hai địa phương có chiều dài khoảng 2,2 km.

Ngoài cầu Bạch Đằng 2, Đồng Nai và Bình Dương dự kiến xây thêm 4 cầu mới bắc qua sông Đồng Nai và sông Bé để kết nối giao thương, gồm: Hiếu Liêm 2, Tân An - Lạc An, Tân Hiền - Thường Tân, Thạnh Hội 2.

Vị trí cầu Bạch Đằng 2.

 

 

Theo:Vnexprexx.net