Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, đô thị đa sắc màu.

Ngày 14-8, Bình Dương tổ chức hội nghị giới thiệu về hành trình phủ xanh của đất nước Singapore và quán triệt, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển cây xanh và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC. Đối tác Singapore có ông Chuah Hock Seong, Giám đốc Tổ hợp công viên tại Singapore; ông Eric Ong, Giám đốc quản lý cây xanh đô thị khu trung tâm phía Nam Singapore.

 Thành phố mới Bình Dương quy hoạch phát triển theo tiêu chí xanh, thông minh đa sắc màu.

Kinh nghiệm từ Singapore

Tại hội nghị, ông Chuah Hock Seong giới thiệu thực trạng của Singapore giai đoạn đầu những năm 1960 và hành trình phủ xanh của đất nước Singapore hiện tại. Theo ông Chuah Hock Seong, cần tạo ra hành lang xanh kết nối các công viên. Để quản lý tốt cần có hệ thống, khoa học, chuyên môn để bảo đảm 2 yếu tố tính thẩm mỹ và sự an toàn, đạt được tiêu chí chung đó là công viên trở thành điểm đến của tất cả lứa tuổi trên quốc gia, sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực, nghỉ ngơi.

Ông cũng đưa giải pháp quản lý cây toàn diện được tiếp cận khoa học, có hệ thống và chuyên nghiệp, tối ưu hóa không gian đô thị cho cây xanh và giải trí, nâng cao năng lực về cảnh quan và ngành làm vườn… Ông Chuah Hock Seong cho biết chiến lược chính của Singapore là trở thành một thành phố trong thiên nhiên, tăng cường cảnh quan vườn và công viên, khôi phục thiên nhiên.

Công viên trung tâm thành phố mới Bình Dương với cây xanh, hồ nước hữu tình, nơi vui chơi giải trí lý tưởng dành cho người dân.

Trình bày về vấn đề phủ xanh đường phố và quản lý cây xanh tại Singapore, ông Eric Ong đã giới thiệu về công tác quy hoạch phủ xanh đô thị với các con đường thiên nhiên làm gia tăng tính kết nối các mảng xanh/đa dạng sinh học. Gia tăng tính đa dạng sinh học ở môi trường đô thị là một thành phần quan trọng của chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học, tạo cơ hội để vận động cộng đồng tham gia. Đồng thời, giới thiệu mô hình khép kín công tác quản lý cây xanh với 5 trụ cột, nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro.

Ông Eric Ong cho biết việc số hóa cây xanh để nhập liệu, lưu trữ tất cả các loại cây đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ. Đây chính là nền tảng ứng dụng phủ xanh để giúp các đơn vị có thể nhập liệu, cùng đưa ra kiến nghị để xử lý tình huống. Thực hiện chương trình chiến lược đưa Singapore trở về với thiên nhiên đã có giải pháp, biện pháp xử lý đầy tính khoa học, sử dụng các công cụ thông minh, thực hiện cơ giới hóa. Tất cả các công tác này nhằm giúp người dân Singapore tận hưởng nguồn sống cũng như việc chia sẻ thông tin để tương tác, nâng cao nhận thức và hướng về một tầm nhìn chung.

Xây dựng hệ sinh thái bền vững

Báo cáo chuyên đề xây dựng “Hệ thống môi trường bền vững cho Bình Dương” theo lộ trình Net zero của Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Becamex IDC đã nêu ra thực trạng hệ sinh thái đang chịu ảnh hưởng tác động sâu sắc từ những thách thức do biến đổi khí hậu, gây ra những hệ lụy như hạn hán, ngập lụt, đô thị hóa tự phát, sự gia tăng nhiệt độ.

Trụ sở các cơ quan của tỉnh đã tập trung về thành phố mới.

Trước thực trạng trên, Bình Dương đã có những hành động để cải tạo hành lang sinh thái, xây dựng hệ thống môi trường bền vững. Hiện Bình Dương đang triển khai mô hình 3 nhà, xây dựng vùng khoa học công nghệ, thành phố thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đưa ra các giải pháp để cân bằng sinh thái, theo ông Hải cần có các chính sách, ứng dụng công nghệ, thực hiện phát triển xanh với việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái - cộng sinh công nghiệp, quy hoạch giao thông thông minh, phát triển xanh với việc phục hồi các hành lang kênh rạch, công viên dọc sông...; thiết lập các vành đai xanh kiểm soát phát triển đô thị - công nghiệp, xây dựng đô thị sinh thái thông minh. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích KCN cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung…

Bên cạnh đó, duy trì và phát triển hành lang sinh thái, hệ thống sông ngòi, kênh rạch bảo đảm sự sống của đất. Mô hình đô thị công nghiệp - đô thị công nghệ dịch vụ - sinh thái chính là lá phổi xanh của Bình Dương trong cấu trúc đô thị. Trong đó, giai đoạn 2025-2035, phát triển bền vững, ưu tiên một số mảng công nghiệp - công nghệ cao; di dời cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp lên phía bắc tỉnh. Sau 2035, phát triển bền vững - công nghệ cao - đổi mới sáng tạo; ứng dụng mô hình đô thị công nghệ - dịch vụ - sinh thái, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Bình Dương cần tạo dư địa cho cây xanh phát triển, hướng tới cấu trúc xu thế xanh.

Thực hiện nếp sống văn minh

Báo cáo tại hội nghị, bà Võ Thị Bạch Yến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Thủ Dầu Một, cho biết sau 5 năm thực hiện, Đề án xây dựng “Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” đã đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực đối với nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức và đại đa số nhân dân thành phố. Thành phố đã xây dựng 98 công viên, hoa viên với diện tích 73.855m2, diện tích cây xanh đô thị đạt 406,5 ha. Nâng được tỷ lệ đất cây xanh đô thị từ 8,02m2/người lên 13,6m2/ người… Nhiều mô hình được thực hiện như xây dựng thành phố 3 không, thành phố không rác, thành phố xanh…

Các tuyến đường ở thành phố mới được đầu tư khang trang, hiện đại, phủ kín cây xanh, sử dụng đèn led tiết kiệm năng lượng.

Báo cáo chuyên đề thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025”, ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết đề án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự đoàn kết thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã góp phần mang lại nhiều kết quả tích cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Công tác vận động đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, ý thức xây dựng văn hóa, văn minh đô thị được nâng lên, hành động vì cộng đồng ngày càng nhiều và được lan tỏa trên nhiều lĩnh vực. Cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Nhiều mô hình mới thiết thực đã được xây dựng, nhân rộng đã đem lại kết quả, tiêu biểu như các mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Tuyến đường hoa”, “Đổi rác thải lấy quà tặng”, “Mỗi chi hội phụ nữ mỗi tuần một hành động nhân văn xây dựng nét đẹp nếp sống văn minh”, “Sân không cỏ, ngõ không rác”...

Cũng tại hội nghị, ông Bùi Thanh Nhân đã phổ biến Chỉ thị số 16/CT-UBND tỉnh ngày 11-8-2023 về tăng cường thực hiện Đề án 02-ĐA/TU ngày 23-7-2021 của Tỉnh ủy về công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và hành trình phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 

Nguồn: baobinhduong.vn