Bình Dương đầu tư thêm 10 khu công nghiệp trong giai đoạn 2023-2030

Để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp FDI đến và gắn bó với tỉnh, từ năm 2023-2030, Bình Dương sẽ đầu tư 10 khu công nghiệp.

Ngày 15/3, trong Hội nghị tổng kết hoạt động các Khu công nghiệp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp FDI đến và gắn bó với tỉnh, giai đoạn 2023-2030, Bình Dương đầu tư 10 khu công nghiệp.

Theo đó, tổng số khu công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 khu, chiếm 7,9% trên tổng số khu công nghiệp cả nước (416 khu công nghiệp) với tổng diện tích quy hoạch là 14.790ha. Trong số đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962ha.

Báo Người Lao Động thông tin, theo kế hoạch năm 2024, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,2- 1,3 tỷ USD, thu hút 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Tổng vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng, cho thuê và cho thuê lại đất 100- 150 ha, thu hút 15.000 lao động, tổng doanh thu 35- 40 tỷ USD.

KCN VSIP III đang thúc đẩy các tập đoàn lớn về đầu tư như nhà máy tập đoàn LEGO đang chuẩn bị đưa vào hoạt động sản xuất. 

Hiện nay, các KCN VSIP III (giai đoạn 2), hơn 800 ha và KCN Cây Trường 700 ha đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới.

Quy hoạch Kcn Cây Trường và Kcn Bàu Bàng mở rộng trên địa àn tỉnh Bình Dương.

Đến cuối 2025, dự kiến thành lập mới 2 khu công nghiệp, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000ha tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên; trong đó, khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động và Khu công nghiệp Tân Lập I với diện tích 200ha, chuyên ngành gỗ.

Đến cuối 2030, dự kiến triển khai thêm 8 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.

Đến cuối 2030, dự kiến triển khai thêm 8 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.

Các khu công nghiệp này được đầu tư theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới.

Theo Vietnam+, lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất quan tâm việc kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp qua các chương trình xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp.

Năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút trên 1,22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 111% kế hoạch và 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 548% kế hoạch.

Tính đến nay, trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 3.112 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.433 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,5 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 94.000 tỷ đồng. Hiện có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh; trong đó, đứng thứ nhất là Hong Kong (Trung Quốc), thứ hai là Nhật Bản; thứ ba là Singapore và thứ tư là Hàn Quốc...

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương nhiệm vụ trọng tâm năm nay về quy hoạch và xây dựng, Ban quản lý Khu công nghiệp sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương trong lập Quy hoạch chung cho ít nhất là 2 khu công nghiệp để tạo quỹ đất có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh sẵn sàng cho đầu tư thứ cấp triển khai dự án.

Đẩy nhanh quy hoạch một số khu công nghiệp mới theo hướng quy hoạch chi tiết phân khu chức năng tạo diện tích quỹ đất phù hợp (2.000-5.000m2) để tiếp nhận các doanh nghiệp di dời từ các đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương vào khu công nghiệp.

Đồng thời, tham mưu quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái phù hợp quy hoạch của tỉnh; nghiên cứu chuyển đổi các khu công nghiệp phía Nam thành các khu công nghiệp chất lượng cao hoặc thành các khu đô thị-thương mại-dịch vụ phù hợp quy hoạch kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Theo: báo nguoiduatin.vn