Đường Hồ Chí Minh tái khởi công, cơ hội phát triển công nghiệp ở Bình Dương

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa mới được tái khởi công sau 12 năm dừng thi công, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, đô thị phía bắc của tỉnh Bình Dương.

Nút giao đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 13 thuộc xả Trừ Văn Thố, Huyện Bàu Bàng giáp ranh Thị Xã Chơn Thành, Bình Phước.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa dài khoảng 73km có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng (Bình Dương), điểm cuối giao với tuyến quốc lộ N2, huyện Đức Hòa (Long An).

Dự án được khởi công vào năm 2009, do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, dự án tạm hoãn từ năm 2011.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đi qua tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An được tái khởi động ngày 18/11 nhằm hoàn thành các hạng mục thi công dang dở.

Dọc tuyến đường sẽ xây dựng 14 công trình cầu, trong đó có 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện và 3 cầu xây mới, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Trước mắt, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ xây dựng 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường 11m. Trong tương lai sẽ mở rộng lên 6 làn xe, rộng 32m.

Theo phê duyệt dự án của Bộ Giao thông Vận tải, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được đầu tư sẽ góp phần "khép kín" đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo Nghị quyết của Quốc hội.

Điểm giao kết nối các tuyến đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường Vành đai 4 TPHCM…

Dự án giao cắt, kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng khác như: đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường Vành đai 4 TPHCM…

Dự án hoàn thành sẽ chia sẻ lưu lượng giao thông với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông.

Cây cầu bắc qua kênh Phước Hòa (huyện Bàu Bàng) đang làm dang dở, người dân chỉ có thể lưu thông bằng xe máy.

Trả lời báo chí trong lễ khởi công, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở GTVT Bình Dương - cho biết, còn khoảng mười mấy hộ nằm trong khu vực giải tỏa. Trong thời gian tới, địa phương sẽ sớm làm việc với các hộ dân để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công kịp tiến độ.

Theo ông Minh, nền đường Hồ Chí Minh đi qua Bình Dương đã cơ bản được đầu tư. Vì vậy, nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho dự án bị ảnh hưởng không nhiều. Dự án đi vào hoạt động là cơ hội để phát triển công nghiệp, sự đa dạng về đô thị và dịch vụ ở phía bắc của tỉnh Bình Dương.

Bản đồ các tuyến kết nối dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Bản đồ dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành -  Đức Hòa. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 2.292 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

 

 

Theo:dantri.com.vn