Những dự án giao thông nghìn tỷ vừa được khởi công từ Bắc vào Nam

Nhiều dự án giao thông trọng điểm vừa được Bộ GTVT và các địa phương khởi công trong tháng 6, hướng mục tiêu năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô

Sáng 25/6, dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô đã được khởi công đồng loạt tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong liên kết vùng, bảo đảm kết nối giữa các địa phương lân cận với thành phố Hà Nội.

Tại Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.

Tỉnh Hưng Yên chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án vành đại 4 đi qua tỉnh.

Dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô 112,8 km với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chia thành 7 dự án thành phần.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113 km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 58,2 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.

Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/h với bề rộng 17 m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12 m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85,8 nghìn tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Cũng trong ngày 25/6, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27 km, đi qua Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng kinh phí hơn 5.880 tỷ đồng, đã được khởi công.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có kinh phí đầu tư hơn 5.880 tỷ đồng. 

Trong chiều dài toàn tuyến, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp hơn 16 km, còn lại thuộc Tiền Giang. Công trình có điểm đầu giao cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), điểm cuối nối cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Dự án chia làm 2 thành phần, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỉ đồng.

Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc

Sáng 18/6, UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), tỉnh Bình Dương (10,76km), tỉnh Long An (6,81km).

Phối cảnh dự án đường vành đai 3.

Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sơ bộ có tổng mức đầu tư là 17.837 tỉ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó, tỉnh Đồng Nai triển khai đoạn dài 16km, Bộ Giao thông Vận tải làm 18,2km, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm đoạn dài 19,5km.

Còn cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 dài 117,5km (đi qua tỉnh Khánh Hòa 32,7km, tỉnh Đắk Lắk 84,8km). Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng, đầu tư từ vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, Bộ Giao thông Vận tải làm đoạn dài 37,5km, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai đoạn dài 32km, UBND tỉnh Đắk Lắk làm đoạn 48km.

Cao tốc trục ngang đầu tiên ở miền Tây

Ngày 17/6, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Theo kế hoạch, dự án đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

 

 

 

Theo: vtc.vn